Tâm Sự Của Sinh Viên Ngành Ngôn Ngữ Anh
“Ngôn Ngữ Anh là gì? Ngôn Ngữ Anh sẽ học về những gì? Làm sao để có thể theo được ngành Ngôn Ngữ Anh? Học Ngôn Ngữ Anh xong thì làm gì? Mình có hối hận khi đã lựa chọn theo học ngành Ngôn Ngữ Anh?”
Nên hay không nên học ngành Ngôn Ngữ Anh?
Một cách khách quan mà nói thì việc lựa chọn ngành học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tính cách, sở thích, năng lực, đam mê, và tài chính. Do vậy, khi đưa ra lời khuyên cho các em khóa dưới, điều đầu tiên mình làm là thường đặt ngược lại cho các em những câu hỏi như: “Em là một người như thế nào? Em có thật sự thấy thích và hứng thú với tiếng Anh không?, v.v”. Sau đó, mình chia sẻ với các em một số cảm nhận của cá nhân mình về ngành học Ngôn Ngữ Anh như sau: 1. Ngôn Ngữ Anh là ngành học đi sâu vào các lĩnh vực, khía cạnh của Tiếng Anh, nên điều kiện tiên quyết đó là chúng mình cần có niềm ĐAM MÊ và TÌNH YÊU với tiếng Anh. Hay nói cách khác là chúng mình cần có sở thích muốn được học và tìm hiều về các lĩnh vực khác bằng tiếng Anh. 2. Ngôn ngữ Anh là một ngành học nói dễ cũng không phải, nhưng nói khó cũng không hẳn. Đây là ngành học đòi hỏi một sự nỗ lực phải thật kiên trì và bền bỉ, hay nói cách khác đó chính là PHẢI CHĂM thì mới học được. Dĩ nhiên điều này không phải là đúng trong mọi trường hợp, vì có nhiều bạn vốn kiến thức nền Tiếng Anh đã chắc từ hồi cấp 3, nên những học phần đầu tiên, có thể không cần phải học mà điểm số vẫn cao. Tuy nhiên, thành phần này thì không nhiều, và có nhiều đi chăng nữa thì cũng chỉ diễn ra ở những học phần đầu tiên như: Nghe – Nói – Đọc – Viết 1 -2, vì sang đến 3, kiến thức nâng cao một cách vượt bậc trông thấy. Ngôn ngữ mà, nó phát triển theo thời gian, nên nếu mình cứ bình tĩnh dậm chân tại chỗ, không chịu trau dồi vốn từ vựng, ngữ pháp, rèn luyện kỹ năng hằng ngày thì tất nhiên sẽ không có nhiều tiến bộ. 3. Để học được Ngôn Ngữ Anh, kỹ năng TỰ HỌC và TỰ NGHIÊN CỨU là vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, bài tập của các học phần vô cùng nhiều, hầu như đều là những assignment, project, presentation. Thời lượng học trên lớp vô cùng ít, nên để hoàn thành tốt các bài tập trên mình phải dành ra kha khá nhiều thời gian tự học ở nhà và trên thư viện để đọc thêm tài liệu. 4. TINH THẦN HỢP TÁC, CẦU THỊ, KHIÊM TỐN chính là những điều mình thấy cần có đối một sinh viên ngành Ngôn Ngữ Anh. Cụ thể, trong vấn đề học tập như mình đã đề cập ở trên, khối lượng bài tập của ngành thật sự rất nhiều, thời hạn lại đòi hỏi phải hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn nữa, nên làm việc nhóm chính là một giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu suất công viêc. Do vậy, trong quá trình làm việc nhóm với các bạn, chúng mình cần học cách trở nên khiêm tốn hơn, hạ bớt cái tôi cá nhân của bản thân xuống để biết cách lắng nghe, hợp tác và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề. Ngoài ra, mình cũng cho rằng những tinh thần này vô cùng cần thiết trong các hoạt động ngoại khóa ví dụ như trong môi trường của các CLB, tập thể Đoàn – Hội v.v. 5. Điều cuối cùng mình muốn đề cập đến đó là vấn đề TÀI CHÍNH. Vì học ngoại ngữ rất cần phải có sự đầu tư, không chỉ là về thời gian mà còn là tiền bạc nữa. Nguồn tiền đó có thể là: học phí, giáo trình, hay lệ phí cho các kỳ thi chứng chỉ quốc tế ví dụ như IETLS. Nên gì thì gì, để có thể theo học được ngành Ngôn Ngữ Anh một cách toàn tâm toàn ý, vấn đề tài chính là một vấn đề rất đáng để lưu tâm.
Học ngôn ngữ Anh thì mai sau làm việc gì?
Nói về cơ hội việc làm, người học ngành này thường chia ra làm 2 trường phái (1) tiêu cực; (2) tích cực. – (1) Đối với nhóm theo trường phái tiêu cực, tức những bạn cảm thấy mình đã sai lầm khi lựa chọn ngành, trong quá trình học cảm thấy bản thân không thích hợp, sẽ cho rằng việc học ngành này là vô bổ, các kiến thức không có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Suy ra, cơ hội việc làm với những bạn này là rất ít, ra trường thường khó kiếm việc làm, hoặc làm trái ngành trái nghề. – (2) Đối với nhóm theo trường phái tích cực, tức những bạn đã may mắn chọn được đúng ngành, trong quá trình học thường luôn cảm thấy bản thân như một hạt cát giữa sa mạc mênh mông, luôn luôn cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm hằng ngày để có thể vận dụng các kiến thức học được vào cuộc sống. Cơ hội việc làm với nhóm này cũng theo đó mà rộng mở hơn, mức độ thất nghiệp cũng sẽ thấp hơn nhóm tiêu cực. Dưới đây là một số vị trí việc làm dành cho sinh viên nhành Ngôn Ngữ Anh: – Biên/ Phiên dịch – Giảng dạy tiếng Anh – Lễ tân – Hướng dẫn du lịch – Trợ lý, thư ký – Điều phối dự án
Trên đây là một số quan điểm của mình về ngành Ngôn Ngữ Anh, mong rằng chúng sẽ hữu ích đối với các bạn. Với mình Ngôn Ngữ Anh là một ngành học rộng, đòi hỏi người học phải không ngừng thay đổi, và nỗ lực, cố gắng. Mặc dù trong thời điểm hiện tại mình chưa đạt được nhiều thành công nhất định, nhưng khi nhìn lại mình thấy không hối tiếc.
Chương trình học, định hướng chuyên ngành, chuẩn đầu ra, cơ hội việc làm… của ngành hot này sẽ ra sao?
Lý do Ngôn ngữ Anh luôn nằm trong top ngành sinh viên muốn theo học khá đơn giản: Tiếng Anh ngày càng trở nên quá phổ biến và cần thiết trong thời đại kinh tế toàn cầu. Cho dù bạn có đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, bạn cũng có thể tìm thấy một ai đó nói tiếng Anh.
Đi nước ngoài là chuyện khá bình thường, nhưng xuất ngoại để học và nhất là học bằng học bổng, được tài trợ toàn phần hoặc bán phần thì sẽ khá khó khăn. Chưa hết, thời sinh viên mà được đi giao lưu, chương trình trao đổi, tình nguyện viên này nọ với sinh viên nước khác thì còn gì tuyệt vời hơn, phải không? Ngành Ngôn ngữ Anh sẽ mang lại cho bạn những cơ hội đó.
Là cựu sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) và hiện tại đã tốt nghiệp được 2 năm, cô gái Đặng Thị Ngoan đã có những chia sẻ về ngành học này với mong muốn giúp mọi người có cái nhìn toàn diện hơn, bao gồm: Chương trình học, định hướng chuyên ngành, chuẩn đầu ra, cơ hội việc làm…
Đặng Thị Ngoan tốt nghiệp xuất sắc ngành kép Ngôn ngữ Anh và Kinh tế Quốc tế, là cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS), năm 2019, với GPA đạt 3.78.
*Lưu ý: Bài viết dựa trên những trải nghiệm tại ULIS, có thể không đúng với ngành Ngôn ngữ Anh ở các trường khác.
Ngoan thi đại học năm 2015, là năm đầu tiên Bộ Giáo dục đổi mới hình thức thi, cũng là năm đầu Đại học Quốc gia tổ chức thi Đánh giá năng lực. Ngoan vượt qua 1 bài thi ĐGNL 140 câu và 1 bài thi trắc nghiệm tiếng Anh với số điểm ĐGNL 108/140, tiếng Anh 9.125/10. Ngưỡng điểm đầu vào của ngành NNA ULIS năm đó là ĐGNL trên 70 điểm, tiếng Anh 8.375.
Năm Ngoan học là theo chương trình đào tạo hệ chuẩn, mức học phí 4 triệu/kỳ. Hiện nay trường đã chuyển sang chương trình đào tạo CLC với học phí 35 triệu/năm.
Về chương trình học, trong 2 năm đầu tiên sẽ học các môn tiếng và môn đại cương, 2 năm cuối học các môn chuyên ngành, thực tập nghiệp vụ, làm khóa luận tốt nghiệp (hoặc học môn thay thế khóa luận). Môn tiếng ở đây tức là học 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết, học cả tiếng Anh social (thiên về xã hội) và tiếng Anh academic (mang tính học thuật hơn).
Sau khi học hết các môn tiếng này bạn có thể thi chuẩn đầu ra VSTEP, trình độ C1. Còn các môn đại cương tức là các môn mà khoa nào, ngành nào cũng phải học, như: Thể dục, Triết, Toán cao cấp, Tư tưởng, Đường lối… Nếu theo đúng lộ trình thì học xong năm 2 bạn đã có thể hoàn tất các môn này.
Góc check in huyền thoại của ULIS.
Trong khi đó, các môn chuyên ngành tức là các môn bạn học để phục vụ cho định hướng chuyên ngành của bạn, ngành nào học của ngành đó. Ví dụ ngành Ngôn ngữ Anh có các môn học chuyên sâu về kiến thức ngôn ngữ như: Ngôn ngữ học tiếng Anh, Đất nước học Anh – Mỹ, Ngữ pháp, Ngữ nghĩa, Ngữ dụng… Và sâu hơn, trong định hướng Biên phiên dịch thì có các môn: Lý thuyết dịch, Biên dịch, Phiên dịch, Nghiệp vụ Biên phiên dịch.
Về thực tập thì bạn có thể bắt đầu đi thực tập ở cuối năm 3 hoặc sớm hơn và thực tập tại các công ty, cơ quan có liên quan đến chuyên ngành của mình. Khi thực tập xong thì sẽ phải làm báo cáo thực tập để nộp lại cho khoa. Về khóa luận tốt nghiệp thì bạn có thể lựa chọn làm nghiên cứu hoặc học 2 môn thay thế.
Ngành Ngôn ngữ Anh có chuẩn đầu ra là trình độ C1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Bài thi đánh giá chuẩn đầu ra là bài thi VSTEP, gồm 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết và học hết năm 2 là bạn có thể đăng ký thi rồi. Lưu ý là hiệu lực của chứng chỉ VSTEP là 2 năm nên bạn cần cân nhắc thời gian thi để đến khi xét tốt nghiệp thì vẫn còn hiệu lực.
4. ĐỊNH HƯỚNG CHUYÊN NGÀNH VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM
Ngành Ngôn ngữ Anh của ULIS có 4 định hướng chuyên ngành: Quản trị học, Phiên dịch, Ngôn ngữ học ứng dụng, Quốc tế học.
Quản trị học: Học các kiến thức chuyên sâu về quản trị, đặc biệt là quản trị văn phòng. Công việc có thể làm sau khi tốt nghiệp: Nhân viên quản trị văn phòng, Nhân viên quản lý dự án, Phòng nhân sự thuộc các cơ quan, công ty, Nhân viên điều hành du lịch, Cán bộ truyền thông, Trợ lý/quản trị kinh doanh.
Phiên dịch: Các kiến thức, kỹ năng phục vụ cho việc biên phiên dịch. Công việc có thể làm sau khi tốt nghiệp: Biên dịch viên/Phiên dịch viên/Biên tập viên, Thư ký văn phòng/Trợ lý đối ngoại/Hướng dẫn viên du lịch.
Điểm chuẩn Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021.
Ngôn ngữ học ứng dụng: Nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ. Công việc có thể làm sau khi tốt nghiệp: Cán bộ giảng dạy Ngôn ngữ học, Ngôn ngữ học ứng dụng tại các cơ sở đào tạo tiếng Anh, Cán bộ phụ trách báo chí truyền thông tại các cơ quan, Tư vấn cho các nhà sản xuất phim ảnh, Biên tập viên cho các tạp chí, báo, nhà xuất bản song ngữ và làm việc tại các cơ quan kinh doanh, tổ chức sự kiện.
Quốc tế học: Các kiến thức chuyên sâu về khu vực và các vấn đề quốc tế, đặc biệt là các vấn đề của các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ. Công việc có thể làm sau khi tốt nghiệp: Cán bộ đối ngoại tại các cơ quan, Biên tập viên cho các tạp chí, báo, nhà xuất bản văn hóa, chính trị và làm việc tại các cơ quan kinh doanh, tổ chức sự kiện.
Tiếng Anh chỉ ở trình độ Khá thì có thể vào ULIS được không? Theo Ngoan, để đạt đầu vào ULIS thì các bạn hãy trau dồi ngữ pháp tiếng Anh, làm nhiều đề thi thử, ôn luyện kỹ càng để có điểm thi tiếng Anh THPTQG cao cao một chút. Kinh nghiệm là không chủ quan nhưng cũng đừng quá tự ti, thời gian than vãn hãy dành để cải thiện kiến thức hết sức có thể.
Không giỏi Nghe – Nói – Đọc – Viết thì có theo được môn tiếng không? Ngoan tự nhận xét bản thân khi bước vào ngành Ngôn ngữ Anh không có gì ngoài kiến thức ngữ pháp, nhưng cô nhận thấy được những yếu kém của bản thân để cải thiện dần dần và đạt được kết quả cũng khá ổn. Bạn có 2 năm để nâng cao các kỹ năng tiếng của bản thân.
ULIS có deadline siêu khủng? Điều này Ngoan công nhận. Ngay học kỳ đầu tiên cô cho biết, mình đã bị choáng ngợp trước khối lượng bài tập/bài tập nhóm của sinh viên ULIS. Nhưng deadline cũng chính là thứ khiến mình dày dạn hơn, chịu áp lực tốt hơn và biết sắp xếp thời gian hợp lý hơn nữa.
Học ULIS có dễ được bằng Khá/Giỏi không? Ở bất cứ ngôi trường nào thì để đạt được bằng tốt nghiệp Khá/Giỏi, bạn cũng cần phải nỗ lực, nghiêm túc và coi trọng tất cả các môn. Với ULIS thì tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp bằng Khá/Giỏi cũng tương đối cao.
ULIS hay HANU (trường Đại học Hà Nội)? Cái này thì rất khó để so sánh vì mỗi trường lại có những lợi thế riêng. Với riêng Ngoan thì ULIS đã cho cô rất nhiều ưu ái và cô cảm thấy thực sự may mắn vì đã thuyết phục được bố mẹ cho mình chọn ngôi trường này.