Qua 2 năm triển khai thực hiện, toàn quốc đã có 57 tỉnh, thành phố lập được 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng với trên 47.000 thành viên tham gia; trong đó, có 26 tổ khuyến nông cộng đồng với 156 thành viên tham gia Đề án thí điểm tổ khuyến nông cộng đồng và ngoài đề án có 5.141 tổ khuyến nông cộng đồng với trên 47.000 thành viên. Thành viên tham gia tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương (hội nông dân, phụ nữ, hợp tác xã, doanh nghiệp...). Ngoài nhiệm vụ chính, các tổ khuyến nông cộng đồng còn hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, tham gia chuỗi liên kết, tư vấn chính sách, kết nối thị trường... Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Đề án, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẳng định thành lập tổ khuyến nông cộng đồng mang tính tất yếu. Tổ khuyến nông cộng đồng là định hướng phát triển đúng đắn để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Theo ông Hoàng Văn Hồng, tổ khuyến nông cộng đồng đã góp phần khẳng định vai trò, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, đặc biệt là ở các vùng nguyên liệu, nông dân đã được tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, được tham gia liên kết sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường...

Hỗ trợ hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng

Đây là chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tiếp tục hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả chỉ tiêu số 13.5 “Có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả” theo hướng dẫn tại Quyết định số 1680/QĐBNN-VPĐP ngày 11/5/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan; đồng thời, rà soát, bổ sung nội dung, hướng dẫn đánh giá phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng kế hoạch bố trí các nguồn vốn được giao từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh để hỗ trợ hoạt động cho các Tổ khuyến nông cộng đồng theo đúng quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo ưu tiên bố trí ngân sách địa phương hằng năm theo phân cấp, trên cơ sở đề xuất của Tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ hoạt động theo quy định.

Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị có liên quan tiến hành thành lập mới các Tổ khuyến nông cộng đồng; củng cố và kiện toàn nhân sự của các Tổ khuyến nông cộng đồng đã thành lập; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng v.v..

Nâng cao năng lực cho thành viên tổ khuyến nông cộng đồng

Mặc dù vậy, trong quá trình thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng cũng còn nhiều khó khăn cần khắc phục. Trong đó, tổ chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng; chưa xây dựng được quy trình công việc, kỹ năng tư vấn quảng bá; nguồn kinh phí hoạt động chưa được hỗ trợ nên hầu hết là làm việc tự nguyện và lồng ghép.

Nhằm phát huy tốt vài trò hệ thống khuyến nông cơ sở, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề nghị các địa phương thời gian tới cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả, tác động của khuyến nông cộng đồng, bao gồm các tiêu chí về phạm vi hoạt động, tác động đến sản xuất nông nghiệp; ảnh hưởng của tổ khuyến nông cộng đồng đến kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở và công tác khuyến nông.

Đồng thời, các địa phương đánh giá việc thành thành lập và hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng để xây dựng quy chế mẫu nhân rộng trong giai đoạn tới; tiếp tục hướng dẫn các tổ khuyến nông cộng đồng đã thành lập thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ; hướng dẫn nhân rộng mô hình, xây dựng các chương trình đào tạo, thu hút nguồn lực địa phương hỗ trợ hoạt động khuyến nông cộng đồng.

Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế chính sách cụ thể cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng như kiến thức về hợp tác xã, thị trường và liên kết sản xuất, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn bán hàng, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử để các thành viên trong tổ có thể đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ.