Du lịch đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế nước ta. Với những đổi mới về cách thức tổ chức, mô hình, dịch vụ, du lịch Việt Nam được báo chí quốc tế nhận định còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam, với nhiều danh lam thắng cảnh, cùng những địa điểm và hoạt động du lịch thú vị, tiếp tục được du khách quốc tế coi là một trong các điểm đến hàng đầu.

Lợi thế phát triển kinh tế biển và du lịch

Với chiều dài đường bờ biển hơn 250km và 2.077 hòn đảo (chiếm phần lớn số đảo của cả nước), trên 40.000ha bãi triều và hơn 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế thực phẩm giá trị cao.

Ngoài ra, ven biển Quảng Ninh cũng có nhiều khu vực nước sâu và kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn và cảng thủy nội địa đáp ứng cho việc giao lưu hàng hóa với các tỉnh trong vùng. Tài nguyên biển có giá trị lớn nhất của Quảng Ninh chính là Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.

Bên cạnh đó, nhờ có chiều dài đường bờ biển dài và nhiều hòn đảo, Quảng Ninh là một địa danh giàu tiềm năng du lịch, là một đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch miền Bắc, với hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng; hội tụ đây đủ các yếu tố tự nhiên như rừng, núi, nước non, biển đảo, sông hồ...

Đặc biệt, Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và được vinh danh là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên Mới của thế giới.

Tận dụng lợi thế sẵn có, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách, tỉnh đang đầu tư thêm nhiều điểm du lịch mới như các bãi biển Trà Cổ, Ngọc Vừng, Minh Châu, Quan Lạn. Hệ thống tuyến đảo trên biển với các cánh rừng nguyên sinh, hệ sinh thái và động vật phong phú, quý hiếm có giá trị phát triển các loại hình du lịch biển đảo khám phá, mạo hiểm.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch ngày càng phát triển, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm tác động tích cực đến hoạt động du lịch, như Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, Cảng tàu Quốc tế Tuần Châu, Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Cầu Bạch Đằng, Cầu và đường dẫn Cầu Bắc Luân II, Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Cầu Tình Yêu, Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.

Tỉnh đã phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, hình thành nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt và độc đáo, có sức cuốn hút mạnh mẽ dựa trên giá trị Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các tài nguyên du lịch nổi bật của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển du lịch quốc tế, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch.

Bên cạnh các điều kiện tự nhiên phù hợp cho phát triển kinh tế biển, du lịch, Quảng Ninh còn có lợi thế thông thương với Trung Quốc qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển; là Trung tâm số một Việt Nam về tài nguyên than đá, công nghiệp điện, ngoài ra còn có công nghiệp ximăng, vật liệu xây dựng...

Vượt qua muôn vàn khó khăn, sau hơn nửa thế kỷ được thành lập, Quảng Ninh đã thực hiện những bước tiến lớn, thực thi cơ chế chính sách đổi mới để tạo nên một diện mạo mới.

Trong bảy năm liên tục, từ năm 2016 đến 2022, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn.

Đặc biệt, trong ba năm 202 -2022 dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, tỉnh Quảng Ninh vẫn trở thành một trong số ít những địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép," với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 đạt 10,28% và năm 2022 đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt 56.500 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước có số thu nội địa cao.

Trong bảy năm liên tục, từ năm 2016 đến 2022, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương.

Không chỉ vậy, tỉnh Quảng Ninh còn tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước nhiều năm liên tục về Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách Hành chính (PAR Index), Chỉ số Hài lòng của Người dân, Tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công (PAPI).

Nhờ thực hiện tốt những chính sách đột phá đó Quảng Ninh đã có sáu năm liên tiếp (từ năm 2017-2022) đứng thứ nhất về Chỉ số PCI; 5 năm (2017, 2018, 2019, 2020, 2022) dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số PAR INDEX; 4 năm liên tiếp (2019-2022) xếp thứ 1 trong bảng Chỉ số SIPAS; đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng PAPI toàn quốc năm 2022.

Trên cơ sở thế mạnh sẵn có, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển vượt bậc trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/2/2023.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc, giữ đà tăng trưởng hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người tới 2025 đạt trên 10.000 USD.

Tong tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025).

Đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái-Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập Thị xã Tiên Yên.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh sẽ phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phát triển du lịch thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, đóng vai trò vừa là điểm đển hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao./.

Bắc Giang là tỉnh ở miền trung du và giáp với châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây và tây bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía nam và đông nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Địa hình gồm có đồng bằng, trung du, miền núi. Khí hậu: chia làm 2 mùa: mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3; mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9. Bắc Giang là một vùng có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử.

Bắc Giang là một tỉnh vừa có truyền thống lễ hội văn hoá của đất Kinh Bắc, vừa có hội xuân. Từ Bắc Giang có thể về thủ đô Hà Nội, lên Lạng Sơn, sang Thái Nguyên và vùng công nghiệp mỏ Quảng Ninh. Thành phố Bắc Giang cách trung tâm Hà Nội 51km. Hệ thống đường bộ thuận lợi có quốc lộ 1A chạy qua. Nhiều tuyến tỉnh lộ và huyện lỵ. Tỉnh Bắc Giang có nhiều sông lớn (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) chảy qua tỉnh, thuận tiện cho vận tải đường sông, góp phần tưới tiêu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, du lịch.

Với gần 2.300 di tích, trong đó có 593 di tích đã được xếp hạng,  Bắc Giang nổi tiếng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử. Nổi bật là thành cổ Xương Giang (thành phố Bắc Giang); khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, khu di tích cách mạng Hoàng Vân, di tích Y Sơn (huyện Hiệp Hòa); chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) – nơi lưu giữ kho Mộc Bản với 3.050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2012; đình, chùa Thổ Hà (huyện Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây Dã hương nghìn năm tuổi (huyện Lạng Giang)… Bắc Giang còn hấp dẫn du khách bởi nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: khu thắng cảnh Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thác Ba Tia, suối Nước Vàng, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam… Đó là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá…

Như vậy, Bắc Giang là vùng đất có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, làng nghề… Những năm qua được sự quan tâm của Tỉnh, du lịch Bắc Giang có những chuyển biến mạnh mẽ.

Tuy nhiên, du lịch Bắc Giang còn không ít khó khăn, hạn chế như dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí còn thiếu, cơ sở hạ tầng thấp kém, sản phẩm du lịch nghèo nàn, chất lượng chưa cao, nguồn nhân lực, dịch vụ vận chuyển khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu...

Việc khai thác, sử dụng tiềm năng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa nhiều, năng lực thấp, quy mô nhỏ; dịch vụ vận chuyển khách du lịch chất lượng chưa cao; chưa hình thành được các tour, tuyến có sản phẩm đặc trưng; dịch vụ ăn uống ở các điểm du lịch còn thiếu; chưa có nhiều sản vật mang thương hiệu riêng; hạ tầng du lịch (hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí) còn hạn chế; tần suất xuất hiện thông tin về du lịch Bắc Giang chưa nhiều…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 72 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, nhưng thực tế chỉ có 18 doanh nghiệp đang hoạt động thường xuyên, trong đó có 3 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Toàn tỉnh hiện có 235 cơ sở lưu trú du lịch với 2.500 phòng nghỉ, trong đó có 8 khách sạn 2 sao và 7 khách sạn 1 sao, chưa có khách sạn nào đạt từ 3 – 5 sao.

- Du lịch văn hóa đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Bắc Giang, đây là loại hình du lịch có tiềm năng lớn và hứa hẹn nhiều triển vọng. Bắc Giang có nhiều lễ hội truyền thống, hơn 2 nghìn di tích lịch sử văn hóa, trong đó 116 di tích được xếp hạng quốc gia, cùng nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu được đông đảo du khách biết đến.

Bên cạnh nhu cầu vui chơi, giải trí, khi đặt chân đến một vùng đất, hầu hết du khách đều mong muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa địa phương. Một số tour du lịch cho khách quốc tế tới Bắc Giang, điểm đến trong hành trình là chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, Vân Hà. Tuy nhiên, Bắc Giang chưa tạo ra được những dịch vụ du lịch tốt để chào đón du khách. Khảo sát cho thấy, hầu như các tour du lịch trên địa bàn thiếu vắng các hoạt động, chương trình biểu diễn nghệ thuật đưa vào lịch cố định phục vụ du khách, dịch vụ, phục vụ du khách còn thiếu và yếu

- Du lịch với làng nghề truyền thống đang mở ra những cơ hội giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu văn hóa. Tỉnh ta có số lượng làng nghề thủ công tương đối lớn song để khai thác, đáp ứng cho phát triển du lịch thì vẫn cần một chiến lược dài hơi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 33 làng nghề trong đó 14 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm cùng những nét văn hóa, phong tục tập quán tiêu biểu, độc đáo. Từ điều kiện ấy nếu được đầu tư xây dựng, khai thác tốt sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách bốn phương. Những làng nghề thu hút đông du khách như Thổ Hà, Yên Viên, Tăng Tiến (Việt Yên), Thủ Dương (Lục Ngạn), bánh đa làng Kế (TP. Bắc Giang)… Đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, chiêm bái tại những làng nghề này.

Sản phẩm được phơi bày đầy rẫy khắp các ngả đường làng, cùng đó là những công trình kiến trúc cổ kính, những nếp nhà gạch chỉ không trát vữa, đặc biệt hơn đây còn là vùng đất của những làn điệu dân ca quan họ bờ bắc sông Cầu. Hai làng nghề Thổ Hà và Vân Hà (Việt Yên) có vị trí giáp Bắc Ninh, của ngõ thủ đô Hà Nội mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu quy trình sản xuất gốm, bánh đa nem, Náu rượu. Người dân làng nghề sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống.

Có lịch sử phát triển hàng trăm năm, làng nghề mây tre đan xã Tăng Tiến (Việt Yên) vừa thuận lợi về giao thông lại gần trung tâm TP. Bắc Giang. Mặt khác, không giống như một số làng thủ công nghề ở nước ta đang rơi vào tình trạng ngày càng lụi tàn trước kinh tế thị trường, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến mỗi lúc một phát triển thịnh vượng, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân. Sản phẩm của làng nghề gồm nhiều chủng loại, từ những đồ dùng sinh hoạt dân dã như thúng, mủng, dần, sàng, rổ, rá cho đến các mặt hàng mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao như mành tre, túi sách, quạt trang trí, lồng bàn, lọ hoa…được nhiều du khách ưa chuộng. Du lịch tại các làng nghề phát triển không những là điều kiện để quảng bá thương hiệu sản phẩm mà còn tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân có thêm thu nhập từ các loại hình dịch vụ.

- Cùng với du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề…, du lịch sinh thái đang được nhiều người quan tâm và lựa chọn. Bắc Giang có lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái song thực tế tài nguyên này đang bị bỏ ngỏ.

Nói đến du lịch sinh thái của Bắc Giang, không thể không nhắc đến hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn), đó là điểm đến cuối tuần khá lý thú, được nhiều người lựa chọn, hồ có diện tích khoảng 2.650ha, chiều dài 25km, bề ngang nơi rộng nhất 7km, đây được xem là máy điều hòa không khí khổng lồ cho miền sơn cước Lục Ngạn. Sóng nước mênh mông gắn với thiên nhiên nguyên sơ, khí hậu trong vùng quanh năm ôn hòa, dịu mát, lại thêm lòng hồ bao la cho cá tôm nhiều là yếu tố hấp dẫn khó có thể bỏ qua khi đi du lịch đến đây. Chính sự vắng vẻ, bình dị và tĩnh lặng ấy đã lôi cuốn ngày càng nhiều du khách tìm đến Cấm Sơn, đặc biệt vào những ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài ra, Lục Ngạn còn hồ Khuôn Thần, có diện tích khoảng 240ha với 5 đảo nhỏ, xung quanh là những thảm thông, keo và các khu vườn vải thiều rộng lớn... đang được đầu tư hạ tầng, dịch vụ… hứa hẹn đem lại sự trải nghiệm thú vị cho du khách trong tương lai. mặc dù có thế mạnh song do nhiều nguyên nhân, tài nguyên du lịch sinh thái tại Bắc Giang chưa được khai thác hiệu quả, giá trị kinh tế mang lại từ loại hình du lịch này chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Hoạt động tại các khu, điểm du lịch sinh thái kém sôi động, chưa thực sự hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nguyên nhân do thiếu sự đầu tư đồng bộ, cơ sở hạ tầng thấp kém, dịch vụ vui chơi giải trí hạn chế, cộng thêm nhân lực làm du lịch của tỉnh vừa thiếu lại yếu, cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch nghèo nàn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng nhu cầu, cả tỉnh chưa có khách sạn ba sao. Đã vậy, hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh du lịch chưa được quan tâm xứng đáng…

Trong tương lai, việc ưu tiên đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và điểm dừng chân cho du khách cần được quan tâm nhiều hơn nữa.  Đặc biệt là tiếp tục chú ý bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, khách sạn, nhà hàng ăn uống; tăng cường đào tạo đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn người dân tham gia tìm hiểu về di sản văn hóa của quê hương, từ đó họ sẽ tích cực tuyên truyền cho khách du lịch hiểu về vùng đất, con người Bắc Giang. Để giải quyết được những vấn đề trên cần tiếp tục nghiên cứu kỹ xây dựng các mô hình văn hóa, giải trí và du lịch cộng đồng, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp dịch vụ...

Thực tế cho thấy, du lịch và văn hóa luôn có sự gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển. Nếu di sản văn hóa được bảo tồn tốt, giá trị và tính hấp dẫn sẽ lớn hơn, đó cũng là cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm du lịch. Mặt khác, khi du lịch phát triển, các điểm đến sẽ có thêm những nguồn thu để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản./.